Bài viết

Thảo nguyên Mộc Châu – Thảm cỏ sạch nuôi dưỡng dòng sữa mát lành

Cao 1.050m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát lành, trong sạch cùng tâm huyết của người dân Mộc Châu với 60 năm truyền thống chăn nuôi bò sữa đã tạo nên điều kiện sống lý tưởng để hơn 24.000 “cô” bò phát triển cho dòng sữa mát lành tự nhiên phục vụ hàng triệu người Việt hàng ngày.

Thảo nguyên xanh, sữa mát lành

Nhắc đến vùng đất chăn nuôi bò sữa, tại Việt Nam chỉ có hai vị trí được đánh giá là có khí hậu thuận lợi thích hợp cho đàn bò phát triển toàn diện đó là Mộc Châu và Đà Lạt. Tại vùng đất thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La), nơi đang nuôi dưỡng dòng sữa tự nhiên của hơn 24.000 “cô” bò đã được các chuyên gia nước ngoài ghé thăm và khẳng định: Đây là vùng đất “vàng” cho ngành chăn nuôi bò sữa. Nơi đây có khí hậu ôn hòa quanh năm, đất đai màu mỡ, phì nhiêu phù hợp với điều kiện sống và phát triển của giống bò Holstein Friesian (bò sữa Hà Lan).

Thảo nguyên Mộc Châu là nơi lý tưởng để chăn nuôi bò sữa trong suốt 60 năm qua. Ngoài thế mạnh về thiên nhiêu ưu đãi, không thể không kể đến công lao của những người nông dân chất phác “không từ bỏ con bò” trong suốt 60 năm thăng trầm và phát triển để có được sự thành công như ngày hôm nay.

Mộc Châu Milk được áp dụng theo mô hình trang trại của nông dân, từ đó tận dụng triệt để thế mạnh để xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, nhà máy chế biến thức ăn.

Thiên nhiên ban tặng cho Mộc Châu khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ là khởi nguồn của dòng sữa mát lành

Rất nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi phóng tầm mắt ngút ngàn của những đồi cỏ xanh mướt đây là nguyên liệu để làm thức ăn cho hơn 24.000 “cô” bò sữa.

Có mặt tại các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, chúng tôi được tận mắt chứng kiến từ các khâu trồng cỏ, chế biến thức ăn, chăn nuôi, vắt sữa… đều được thực hiện theo quy trình khép kín và mang lại hiệu quả chất lượng sữa, kinh tế cao nhất.

Ngô sẽ được nghiền và ủ chua, cỏ tươi được nghiền phục vụ các “cô”bò sữa

Cỏ và ngô phục vụ cho hơn 24.000 “cô” bò sữa được các hộ nông dân thực hiện theo quy trình sạch, bởi quan niệm của Mộc Châu Milk là sạch từ đồng cỏ đến từng ly sữa. Để đạt được điều đó, tất cả cỏ và ngô trồng theo một quy trình nghiêm ngặt không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân hóa học và nguồn phân bón được tận dụng từ chất thải từ đàn bò. Từ những quy định nghiêm ngặt để mang lại dòng sữa chất lượng nhất cho mọi người, những người nông dân nơi đã đã trở thành những “nông dân công nghệ cao”, những tỷ phú trên cao nguyên xanh.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thạch Lỏi (đơn vị chăn nuôi 2) vui vẻ cho biết: “Muốn sữa sạch thì buộc nguồn thức ăn cho bò phải sạch, chính vì vậy đồng cỏ và ngô được trồng theo đúng quy trình của công ty đưa ra. Muốn sữa mang lại giá trị cao, chất lượng tốt nhất phải làm được điều đó bởi đây là khởi nguồn cho sự thành công của chúng tôi”.

Ông Nguyễn Thạch Lỏi tự hào sau hàng chục năm chăn nuôi bò kết hợp cùng Mộc Châu Milk

Ông Nguyễn Thạch Lỏi cũng cho biết, gia đình ông hiện đang nuôi gần 200 “cô” bò với sản lượng 45 tấn mỗi tháng mang lại khoảng 560 triệu đồng.

Cũng theo ông Lỏi, ngô thu hoạch sẽ được đưa vào máy băm thái nhỏ rồi đưa vào ủ lên men theo đúng quy trình mà Mộc Châu Milk hướng dẫn nhằm tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng cho bò. Riêng đối với cỏ tươi sẽ được ông cho cắt dần làm thức ăn cho đàn bò của mình.

Chất lượng đạt “cấp kỷ lục” cho vương miện vàng của “Hoa hậu bò sữa”

Chính nguồn thức ăn sạch, nhiều dinh dưỡng từ lòng đất mẹ trên thảo nguyên xanh mát đã khiến những “cô” bò mang lại dòng sữa tốt nhất, chất lượng dinh dưỡng cao.

Từ những đồng cỏ, ngô xanh bạt ngàn và đàn bò được chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các hộ nông dân. Với sản lượng sữa của toàn công ty lên đến 100.000 tấn sữa tươi/năm và 100% đạt tiêu chuẩn VIETGAP là những thành quả lớn lao.

Các “cô” bò tập luyện trước hội thi

Chính nhờ điều kiện tự nhiên, sự chăm sóc cần mẫn của người nông dân cùng việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, ngày 15/10/2018, hội thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2018 đã tìm ra chủ nhân của cúp hoa hậu với sản lượng sữa đạt cấp kỷ lục: 15,5 tấn/năm. Con bò của chủ hộ Lê Xuân Tiến mang số báo danh 13568 của đơn vị 19.5 đã lên ngôi hoa hậu bò sữa năm 2018 với tổng giá trị giải thưởng 75 triệu đồng.

Đây không đơn thuần là cuộc thi của những cô bò có dáng đẹp, sản lượng sữa cao, chất lượng sữa tốt mà còn là niềm động viên, lòng tri ân từ phía công ty đến với người nông dân nuôi bò ở Mộc Châu.

 60 năm qua, Mộc Châu Milk đã tạo nên dòng sữa chất lượng, mát lành

Trải qua 15 năm tổ chức, cuộc thi “Hoa hậu bò sữa” đã vinh danh hàng chục hộ chăn nuôi có bò đạt giải, đây là nguồn khích lệ và tri ân vô cùng lớn của công ty sữa Mộc Châu đến người nông dân đồng thời cũng là động lực để ngành chăn nuôi bò sữa tại Mộc châu phát triển thêm nữa, đem đến các sản phẩm thuần Việt chất lượng cao đến người tiêu dùng.

Ông bầu tỷ phú kể chuyện 100 ngày trong lò luyện thi ‘hoa hậu’ trên thảo nguyên

Ngoài chế độ ăn uống và chăm sóc đặc biệt, các ông bầu tỷ phú ở thị trấn Nông trường Mộc Châu còn tiết lộ, đích thân họ và những cô bò được tuyển chọn phải tham gia lò luyện thi Hoa hậu bò sữa với thời gian lên tới 100 ngày.

Những ngày cuối tháng Mười tiết trời se lạnh, lên thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) sẽ thấy những lò luyện thi Hoa bậu bò sữa được mở trên cánh đồng cỏ xanh mướt, rộng bạt ngàn. Ở đó, hàng trăm ông bầu tỷ phú đang chăm chỉ dắt từng thí sinh bò tập “catwalk” sao cho thật thuần thục và điêu luyện.

Vừa bỏ cả tiếng đồng hồ để tập “catwalk” cho cô thí sinh bò của mình đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu bò sữa, ông bầu Đặng Văn Thắm ở đơn vị Vườn Đào 1, chia sẻ, trước cuộc thi tầm hơn 3 tháng (khoảng 100 ngày), ngày nào anh cũng phải đưa các thí sinh bò ra đây để tập đi cho thật duyên dáng và điêu luyện.

“Đây là năm thứ 7 tôi có bò tham gia cuộc thi Hoa hậu bò sữa. Đặc biệt, năm nay số lượng không chỉ một mà tới 4 thí sinh”. Vừa lấy tay vuốt vào đầu cô bò béo mập với bầu sữa căng đầy, anh nói: “Đây là thí sinh tiềm năng nhất, dự đoán sẽ được giải cao trong cuộc thi nên tôi đang tích cực cho tập luyện để hôm đó tự tin trình diễn trên sàn”.

Các ông bầu chăm chỉ luyện tập cho thí sinh bò của mình catwalk trước vòng chung kết

Không chỉ đưa bò vào lò luyện thi trình diễn, bầu Thắm còn tiết lộ, bò đi thi phải đẹp đúng chuẩn: Có bầu vú to, 4 núm vú phải thật cân đối chứ không được lệch núm to núm nhỏ, mông nở vuông góc, đầu hình trái tim, lông trắng vắt qua lưng, đuôi thật dài. Đặc biệt, cân nặng của thí sinh phải đạt tối thiểu 4,5 tạ, nhẹ cân hơn là bị loại.

Chỉ vào cô bò đang tranh thủ gặm cỏ trên cánh đồng sau giờ tập luyện, bầu Thắm cho biết, cô bò của anh năm nay dự thi nặng tới gần 8 tạ, đã 4 tuổi và sinh 2 lứa, hiện chuẩn bị sinh lứa thứ 3, lượng sữa đạt 50 kg/ngày, gần bằng lượng sữa (60 kg/ngày) của đương kim Hoa hậu bò sữa năm ngoái.

“Để đạt được những chỉ số khủng như này, bò đi thi hoa hậu luôn có chế độ chăm sóc rất đặc biệt”. Ông bầu Thắm tiết lộ, lượng thức cho ăn hàng ngày lên tới 9kg, nhiều hơn những con bò sữa bình thường, ngoài ra còn một lượng lớn thức ăn thô. Bên cạnh đó là chế độ tắm rửa, massage bầu vú, cắt tỉa móng chân, chải lông đuôi,… sao cho thí sinh bò có ngoại hình bắt mắt nhất.

Là một ông bầu bò mới toanh, anh Nguyễn Tiến Mạnh, chủ của một thí sinh bò đã lọt vào vòng chung kết, tự tin về thí sinh bò của mình năm nay sẽ đăng quang.

Anh Mạnh chia sẻ, tổng đàn bò của anh có 50 con nhưng chỉ chọn được duy nhất một con tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, các chỉ số của con bò này lại rất hoàn hảo khi cân nặng lên tới 7,6 tạ, bò đã đẻ 2 lứa, lượng sữa trung bình mỗi ngày đạt trên 55kg.

Ông bầu Toàn đang tích cực luyện đi cho thí sinh bò của mình

“Thú thực là năm đầu tiên tham gia nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Hàng ngày cũng phải cho bò ra đây luyện đi giống các gia đình khác”, anh nói. Còn chế độ chăm sóc hàng ngày, anh phải làm đúng theo các tiêu chí của ban tổ chức, chưa kể mất công tới rất nhiều gia đình có bò đi thi hoa hậu và đạt giải để học hỏi bí kíp chăm sóc.

“Còn khoảng chục hôm nữa là tới ngày thi nên tôi đã đi mua sẵn dầu thơm để xịt cho bò. Đặc biệt, dạo này còn phải chăm chỉ cắt tỉa lông đuôi, móng chân, chải lông,… để hôm thi bò xuất hiện được đẹp, đi chuẩn nhất”, anh chia sẻ.

Ông Phạm Hải Nam – thành viên Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu – cho hay, thời gian chuẩn bị cho cuộc thi không còn nhiều nên khoảng 3 tháng nay, ngày nào các chủ bò cũng phải cho bò ra cánh đồng để luyện.

Bò sữa bình thường nuôi trong chuồng, rất ít tiếp xúc với người nên chúng thường sợ. Nếu không tập đi cho chúng thì hôm thi chúng sẽ hoảng sợ và không thể trình diễn được hết phần thi “catwalk” của mình.

Ông Nam cũng cho hay, cuộc thi Hoa hậu bò sữa là cuộc thi thường niên tại Mộc Châu. Tiêu chí để bò tham gia cuộc thi là nhìn tổng thể con bò phải đẹp, trong đó, đầu, cổ, vai, ngực, chân, móng, đuôi, bầu vú,… phải đạt tiêu chuẩn ban tổ chức quy định. Đặc biệt, một thí sinh bò đủ tiêu chuẩn phải cho sữa tối thiểu khoảng 9 tấn/chu kỳ 300 ngày, tức mỗi ngày khoảng 30kg sữa.

Năm nay, Ban tổ chức đã chọn được 500 thí sinh bò từ 24.000 con bò sữa vào vòng sơ khảo. Sau đó, từ 500 thí sinh, Ban tổ chức lại chọn tiếp hơn 100 thí sinh tham gia thi chung kết vào giữa tháng 10 để tìm ra Hoa hậu bò sữa năm 2018.

Chia sẻ về tiêu chí để chọn ra được Hoa hậu bò sữa 2018, ông Nam tiết lộ, bò Hoa hậu phải hội tụ nhiều đặc trưng của giống bò HF thuần chủng, xuất sắc nhất về ngoại hình, lượng sữa. Bên cạnh đó, bò phải khỏe mạnh, các bộ phận phải có sự kết cấu hài hòa, bốn chân vững chắc, tầm vóc to lớn, dáng đi đẹp. Đặc biệt, bầu vú và các núm vú phải thật cân đối. Còn các chỉ tiêu về sinh trưởng, sản xuất sữa cũng phải thật sự nổi trội.

Mộc Châu Milk – Dòng sữa hạnh phúc cho triệu gia đình

Với quy trình chăn nuôi và sản xuất khép kín theo công nghệ tiên tiến, sữa Mộc Châu được đánh giá là sạch ‘từ trang trại đến bàn ăn’, đảm bảo chất lượng, ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Dây chuyền chế biến sữa tại nhà máy của Mộc Châu Milk

3 giờ sáng. Những công nhân tại trang trại rộng 8,76 ha của ông Nguyễn Thạch Lỏi (tiểu khu 67, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La) bắt đầu tắm rửa cho đàn bò sữa. Khi chuồng trại và các “nàng bò” đã sạch sẽ, các công nhân đeo găng tay, cầm những chiếc khăn sạch, khô và mềm lau bầu vú bò rồi chụp núm, bật máy vắt sữa có giá gần nửa tỉ đồng để sữa tự động chảy vào téc. Sữa được bảo quản trong téc ở nhiệt độ 4 độ C, sau đó xe chuyên dụng của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) đến nhập đem về nhà máy chế biến. “Toàn sữa loại 1, loại tốt nhất đấy. Sữa này công ty mua với giá cao nhất. Với 60 “nàng bò” đang cho sữa trong trang trại có 180 con, mỗi ngày đàn bò cho sản lượng 1 tấn sữa, tôi bỏ túi cả chục triệu đồng”, ông Lỏi khoe.

Để có lượng sữa đạt chất lượng loại 1, ông Lỏi và gần 600 chủ trang trại nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu đã áp dụng nghiêm ngặt quy định về chất lượng con giống, kỹ thuật chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm… dưới sự hỗ trợ đắc lực và kiểm soát chặt chẽ của Mộc Châu Milk. Chuồng trại đều xây theo mẫu chuẩn, bò giống mua từ trại của công ty, chế độ dinh dưỡng cũng như kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho đàn bò đều được quan tâm sát sao… Theo ông Lỏi, đàn bò sữa Mộc Châu cho sữa nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, ngoài việc khí hậu thuận lợi và nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, còn có một phần đóng góp quan trọng từ nguồn thức ăn hỗn hợp TMR, được sản xuất bởi nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại của Hàn Quốc do Mộc Châu Milk đầu tư xây dựng với số vốn trên 1 triệu USD. Thức ăn TMR được phối trộn sẵn theo khẩu phần đầy đủ và cân đối chất dinh dưỡng đối với từng nhóm bò, khắc phục được sự mất cân đối trong các loại thức ăn hỗn hợp khác như: thức ăn tinh hỗn hợp thì thiếu chất xơ, premix thì thiếu chất tinh và chất thô… 

Sản phẩm chất lượng cao

Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Mộc Châu Milk, cho biết cao nguyên Mộc Châu có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để nuôi bò sữa và sản xuất ra thứ “vàng trắng” chất lượng. Nơi đây được “trời ban” cho điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc nuôi bò sữa mà những nơi khác nếu có tiền cũng không mua được. Mộc Châu cũng là nơi đầu tiên trong cả nước nuôi bò sữa, những người nuôi bò thượng thặng nơi đây rất giàu kinh nghiệm khi có thâm niên 60 năm nuôi bò sữa. Đàn bò trong các trang trại cũng toàn là “hàng tuyển”, được nhập từ Hà Lan, Mỹ, Úc hoặc được sinh ra từ tinh con đực cấy truyền phôi những con bò tốt nhất thế giới.

Vắt sữa bằng máy hiện đại tại nhà máy của Mộc Châu Milk

Theo ông Chiến, đàn bò được nuôi ở các trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá và cấp chứng chỉ, đáp ứng tốt trên 70 tiêu chí nghiêm ngặt, với quy trình công nghệ khép kín: Sạch từ nước tưới và trồng cỏ, phối trộn thức ăn cho bò, xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin đầy đủ, vệ sinh bò sữa trước khi vắt sữa, chất lượng sữa giao cho nhà máy đảm bảo về hàm lượng dinh dưỡng và tỷ lệ vi sinh… Công ty sở hữu 2 trung tâm giống và chuyển giao kỹ thuật được thiết kế và chăn nuôi theo mô hình hiện đại của châu Âu. Công tác thú y và quản lý chất lượng sữa luôn được đặt lên hàng đầu. Hằng ngày, cán bộ thú y, khuyến nông đều “đảo” qua các trang trại kiểm tra tình hình dịch bệnh, giám sát việc vắt và bảo quản sữa…

Những dòng sữa có hàm lượng mỡ sữa từ 3,75%, bơ từ 2,95% trở lên… từ các trang trại được đưa về nhà máy chế biến sữa hiện đại với công suất 100.000 hộp/giờ. Tại nhà máy, sữa tươi nguyên liệu được xử lý qua hệ thống thanh trùng và tiệt trùng đều tự động hóa và hoàn toàn vô trùng của Tập đoàn Tetrapak (Thụy Điển) đảm bảo sản phẩm sữa giữ nguyên vẹn chất dinh dưỡng, độ tươi và thơm ngon. Ông Chiến cho biết, Mộc Châu Milk đang cung cấp ra thị trường 40 loại sản phẩm, trong đó có sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa chua nếp cẩm, phô mai, bơ tươi nguyên chất, bánh sữa, váng sữa… đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng.